Máy trợ thính là một trong những công cụ rất cần thiết cho những người có thính lực bị giảm. Hiện nay đã có khá nhiều thương hiệu cũng như chủng loại như: máy không dây, máy bỏ túi, …
Thính lực bị giảm và phải sử dụng máy trợ thính nhưng nhiều người vẫn chưa sử dụng máy trợ thính đúng cách. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách sử dụng khá chi tiết cũng như một số lưu ý cần thiết để sử dụng máy trợ thính hiệu quả hơn
Lần đầu tiên sử dụng máy trợ thính có thể bị sốc đôi chút. Hầu hết người khiếm thính phải chờ đợi quá lâu trước khi đeo máy và họ thường đã quên đó là những âm thanh gì. Đó là lý do tại sao tiếng nói và tiềng ồn từ xe cộ có vẻ quá lớn khi họ sử dụng máy trợ thính lần đầu tiên. Nhìn chung, các âm thanh thì hoàn toàn khác với khi nghe bình thường. Những người đeo máy trợ thính lần đầu tiên cần phải tập nghe. Việc chỉnh máy là một tiến trình liên tục tùy thuộc vào độ quen hay không quen đeo máy của bạn.
Lắp máy vào tai
- Trước khi đeo máy phải tắt máy, đeo xong mới bật máy.
- Nếu sử dụng núm đúc theo khuôn tai thì cho núm tai vào trước, sau đó đưa máy lên vành tai, loại núm tai này thì núm tai nào dùng cho tai đấy, không dùng chung được.
Một số lưu ý khi dùng máy trợ thính
1. Không để cho máy trợ thính bị ướt. Nếu máy trợ thính bị ướt, để làm khô máy, cách đơn giản nhất là mở nắp pin và để chúng tự khô hoặc cũng có thể sử dụng máy sấy tóc nhiệt độ nhẹ, thổi từ phía trước máy trong khoảng cách từ 40-60cm và sấy từ 5 - 10 phút, cũng có thể sử dụng máy hút ẩm hay chất hút ẩm để chống ẩm cho máy trợ thính.
2. Không để máy trợ thính ở nơi có nhiệt độ cao, nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp hay những vật dụng nóng.
3. Tránh làm rơi máy trợ thính. Nên đặt gối trên vạt áo hay một chiếc khăn trên bàn trong khi học cách gắn máy trợ thính vào tai.
4. Không sử dụng keo xịt tóc, kem dưỡng tóc hay gel tạo nếp tóc khi đang mang máy trợ thính vì những hóa chất này có thể làm nghẹt micro, thậm chí phá hủy chất nhựa ở vỏ ngoài máy trợ thính.
5. Không dùng cồn hay dung môi để làm sạch máy trợ thính vì những chất trên cũng có thể làm hỏng vỏ máy trợ thính mà nên mua chất tẩy rửa chuyên dùng cho máy trợ thính.
6. Buổi tối, khi tháo máy trợ thính ra khỏi tai, nên dùng một miếng vải hay khăn giấy mỏng khô lau chùi máy cẩn thận. Nếu thấy có ráy tai đọng lại ở phía sau máy, cần lấy ngay. Trong hộp đựng máy luôn có sẵn dụng cụ lau chùi ráy tai như chiếc bàn chải, móc kim loại hay bàn chải có đầu móc. Cuối cùng, mở hộp pin ra và đặt máy trợ thính vào trong hộp.
7. Hầu hết máy trợ thính đều có công tắc độc lập, nên mở nắp pin để cho không khí vào trong máy làm giảm độ ẩm ướt khi đeo máy suốt ngày.
8. Với máy trợ thính đeo sau tai, núm tai là bộ phận không có mạch điện nên có thể dùng xà bông ít kiềm và nước để lau chùi. Nếu có nước đọng trong ống tai, lấy bơm tai thổi sạch nước trước khi gắn trở lại vào máy trợ thính.
9. Riêng đối với trẻ em dưới 10 tuổi, máy thích hợp nhất cho các em là máy đeo sau tai vì dễ bảo quản với chi phí phù hợp
Cách sử dụng máy trợ thính đúng cách sẽ giúp cho người sử dụng có thể có thêm kinh nghiệm sử dụng và bảo quản máy trợ thính được tốt và hiệu quả hơn.